THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TP.HCM HỒI PHỤC MẠNH MẼ

Phần 1: Bùng nổ thị trường căn hộ tại các khu vực vệ tinh TP.HCM

Số liệu tăng trưởng kinh tế tích cực nhờ vào kết quả chống dịch tốt của Việt Nam được xem là đòn bẩy cho Bất động sản trong thời gian tới. Giới chuyên môn dự báo năm 2021 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dự án nhà ở cao tầng tại các khu vực vệ tinh của TP.HCM, đặc biệt về phía Đông (TP.Thủ Đức) và phía Nam (huyện Nhà Bè, Cần Giờ). Điều này bắt nguồn từ ba nguyên nhân sau.

Thứ nhất, sau một năm đóng băng ngầm vì dịch, thị trường chung cư khởi động 2021 bằng việc đón nhận một số dự án mới, hâm nóng nguồn cung căn hộ. Số lượng căn mở bán trong Q1.21 là 3,900 căn ở cả bốn phân cấp, tăng 73% so với Q1.20. Trung cấp và bình dân vẫn là hai phân khúc dẫn đầu, chiếm hơn 80% nguồn cung, chứng tỏ nhu cầu ở thực của người dân. So với tổng số 25,000 căn mở bán toàn năm 2021 theo dự báo, con số này tuy chưa thực sự đáng kể nhưng là khởi đầu tích cực cho các nhà phát triển, cùng với việc rốt ráo thực hiện đề án tháo gỡ vướng mắc dự án BĐS của Sở Tài nguyên – Môi trường.

thi-truong-bds-q1

Song song đó, nhu cầu mua nhà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ lệ hấp thụ luôn trên 85% từ 2017 chứng tỏ nhu cầu ở thực của người mua nhà lần đầu, đặc biệt lượng người trẻ dịch chuyển về TP.HCM sinh sống và làm việc. Đáng chú ý, tâm lý mua nhà để đầu tư tăng mạnh trong và sau dịch. Nguyên nhân bắt nguồn từ dòng tiền nhàn rỗi do hạn chế sản xuất, thương mại, du lịch…, cộng với lãi suất ngân hàng thấp để kích cầu kinh tế. Bất động sản nhà ở trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và ổn định, thanh khoản cao, sinh lời sớm đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, làm sôi động các giao dịch trên thị trường.    

Nhu cầu tăng mạnh nêu trên khiến giá đất tiếp tục nhảy vọt, bất chấp năm khó khăn vừa qua. Cụ thể, ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, giá bán đồng loạt leo thang. Đặc biệt sau sự kiện chính thức thành lập TP.Thủ Đức từ 01/01/2021, giá căn hộ ở khu vực này tăng đột biến. Ví dụ tại các dự án xung quanh tuyến đường Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi (Quận Thủ Đức cũ), giá giao dịch tăng đến 62.5%, từ 35-40 triệu đồng/m2 lên 100 triệu đồng/m2. Trên tuyến đường Lò Lu, Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển (Quận 9 cũ), giá nhà đất tăng mạnh 17.36% chỉ trong vòng nửa năm, lên đến 40-45 triệu đồng/m2 so với mức giá 35 triệu đồng/m2 năm 2020. Theo JLL Việt Nam, giá chào bán sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ TP.HCM trong Q1.21 rơi vào khoảng 57 triệu đồng/m2 và đang tăng nhanh.

thi-truong-bds-q1-1

Trong thời gian tới, “điểm nóng” của thị trường nhà ở cao tầng sẽ hướng về các khu vực vệ tinh TP.HCM. Xu hướng mở rộng của TP.HCM sẽ tập trung về cửa ngõ phía Đông (TP.Thủ Đức) và phía Nam (huyện Nhà Bè, Cần Giờ). Quỹ đất dồi dào, hạ tầng hoàn thiện, dễ kết nối và chủ trương của TP trong việc chuyển đổi chức năng đô thị là ba động lực thúc đẩy nguồn cung và cầu hướng về khu vực ngoại thành, hay còn gọi là TP.HCM mở rộng (Greater HCMC). Theo đó, Sở Nội vụ đã trình đề án chuyển huyện lên quận, hoặc thành lập “thành phố thuộc thành phố” trong giai đoạn 2021-2030. Với quỹ đất lớn và nhu cầu tăng liên tục, xu hướng phát triển các dự án nhà ở cao tầng phân khúc tầm trung có chất lượng tốt, mức giá hợp lý và đầy đủ tiện ích sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, thị trường căn hộ tại TP.HCM đang có một năm đầy triển vọng nhờ nhiều tín hiệu tích cực. Điều này chứng tỏ bất động sản ở vẫn và sẽ luôn là loại hình tài sản thật có sức ảnh hưởng cao và được người dân đón nhận trong dài hạn dù mua ở hay đầu tư.