DOANH NGHIỆP CHÂU Á CHUYỂN DỊCH SANG XU HƯỚNG ESG MỞ RA CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP QUỸ ĐẦU TƯ LUXEMBOURG

“Là nhà phát triển bất động sản có nguồn vốn từ Luxembourg, EZLand tự hào là người tiên phong về đầu tư bền vững cho thị trường Việt Nam thông qua chiến lược ESG.”

kien-truc-toi-gian-va-cong-nang-7

Tại sự kiện Digi Pulse Asia do Hiệp hội các Quỹ đầu tư Luxembourg ALFI tổ chức vào tháng 2 vừa qua, nhiều diễn giả nhận định các nhà quản lý tài sản và hoạch định chính sách tại châu Á đang học tập từ các chiến lược ESG – phát triển bền vững dựa trên tác động đến môi trường, xã hội và quản trị – của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể là Quy định công khai về Tài chính bền vững SFDR mới được EU ban hành và có hiệu lực từ Tháng 2 2021.

Theo ông Pierre Gramegne – Bộ trưởng Bộ Tài chính Luxembourg, quốc gia này dẫn đầu trong khối EU về các sáng kiến tài chính bền vững, ví dụ như việc phát hành trái phiếu “xanh” ESG vào năm 2016. Việc triển khai chiến lược phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 của EU, trong đó có Luxembourg, hướng đến hai trọng tâm là ứng dụng công nghệ và hoán chuyển khí hậu (đầu tư có cân nhắc tác động đến khí hậu). Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ cần một khung pháp lý chuyên biệt về tính ổn định và an toàn để củng cố sự tín nhiệm với các nhà đầu tư.

Việc chính phủ ban hành và cập nhật các điều luật mới cho ngành công nghiệp quỹ sẽ thúc đẩy quá trình đạt các mục tiêu của Thoả thuận xanh châu Âu (European Green Deal) như trung hoà carbon và cắt giảm phát thải khí nhà kính, bà Josiane Schroeder – cố vấn luật của Linklaters nêu quan điểm. Tuy nhiên, theo bà Karine Hirn từ East Capital, việc tuân thủ này khá phức tạp vì các chính sách hay điều luật này chỉ có phạm vi áp dụng với các quỹ đầu tư Luxembourg. Các nhà quản lý tài sản châu Á không phải là đối tượng trực tiếp của những yêu cầu pháp lý về việc công bố ESG. Do đó, bà đề xuất cần phải có một cách phân loại tiêu chuẩn để cân bằng quyền và lợi ích giữa EU và các nước châu Á.

Việc ban hành Quy định công khai về Tài chính bền vững SFDR là bước tiến đầu tiên của châu Âu trong bộ khung quy định về phát triển bền vững. Dù các nội dung chi tiết vẫn cần được thống nhất, theo ông Stéphane Karolczuk – đối tác Hong Kong của Arendt & Medernach, đây là cơ sở để các nhà quản lý tài sản châu Á học hỏi để xác định các nghĩa vụ công bố thông tin cho các quỹ đầu tư đến từ châu Âu.

Quỹ đầu tư Luxembourg chiếm tỉ trọng đáng kể trong thị trường của các nền kinh tế trọng yếu của châu Á như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này chứng tỏ mối quan hệ hợp tác vững chắc giữa hai châu lục trong suốt ba thập kỷ qua. Theo bà Valérie Mantot-Groene – Giám đốc vùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Apex Group, lí do này đến từ nhiều yếu tố như danh tiếng tốt của các Quỹ; hệ thống pháp lý, quy định và thuế quan minh bạch, chặt chẽ; vai trò trung gian giúp kết nối Uỷ ban giám sát khu vực Tài chính CSSF với các cơ quan quản lý của châu Á.

Với những yếu tố kể trên, Luxembourg tiếp tục giữ vị thế trung tâm ngành quỹ đầu tư xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới và là nguồn quỹ đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp châu Á muốn phát triển theo định hướng ESG.