CHỦ TỊCH TP HCM: 'HỌC KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀI CHO THÀNH PHỐ PHÍA ĐÔNG'

Chính quyền TP HCM sẽ nghiên cứu những mô hình thành công ở nước ngoài để xây dựng Đề án Thành phố phía Đông - nơi kỳ vọng đóng góp 4-5% GDP cả nước.

TP HCM đang hoàn thiện Đề án xây dựng Thành phố phía Đông với mô hình "thành phố trong thành phố" nhằm biến nơi đây thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. VnExpress trao đổi với ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM về ý tưởng chiến lược được chính quyền thành phố ấp ủ nhiều năm qua.

Chu-tich-TP-HCM-Le-Thanh-Phong-ez-land
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trả lời VnExpress về đề án xây dựng Thành phố phía Đông. Ảnh: Hữu Khoa.

- Hình dung của ông về diện mạo của Thành phố phía Đông sẽ như thế nào, thưa ông?

- Thành phố phía Đông - Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ.

Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời thành phố sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.

Khu đô thị rộng hơn 211km2, với khoảng một triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, bằng 4% - 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

- Vì sao TP HCM muốn lập Thành phố phía Đông theo mô hình "thành phố trong thành phố" trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức?

- Thành phố sẽ phát triển dựa trên những nền tảng có sẵn, kết nối ba chức năng: Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và sản xuất các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với điểm nhấn là Khu công nghệ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao với điểm nhấn là Đại học Quốc gia TP HCM; trung tâm tài chính, thương mại với điểm nhấn là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thành phố xác định trung tâm động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới sẽ là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, trên cơ sở tích hợp ba lợi thế của ba quận (2, 9 và Thủ Đức). Trong đó, lợi thế của quận 9 là khu công nghệ cao, nơi tập trung các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước về khoa học, công nghệ; quận Thủ Đức là nơi đào tạo đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học trên 100.000 sinh viên; quận 2 là trung tâm tài chính và thương mại.

map-TP-Phia-Dong-ez-land
Thành phố Phía Đông sẽ gồm ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Đồ họa: Khánh Hoàng.

- Gần 10 năm ấp ủ cho đề án Thành phố phía Đông và Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, đến nay, UBND thành phố đã làm gì để triển khai?

- Ngày 24/4, UBND thành phố có quyết định thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông gồm 22 thành viên do tôi làm Trưởng ban; Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan làm Phó ban Thường trực; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND ba quận (2, 9, Thủ Đức) làm thành viên.

Ban chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển tổng thể Khu đô thị; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sinh sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển Khu đô thị này.

Do khu đô thị cũng chính là khu vực dự kiến thành lập Thành phố phía Đông nên Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo tăng cường cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa ba quận.

Thành phố nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Khu đô thị; hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính cho Thành phố phía Đông. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung (bao gồm hệ thống dữ liệu về đất đai, giao thông, quy hoạch...) trên ba quận, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý các nguồn lực.

Ngày 22/5, Ban chỉ đạo đã họp phiên đầu tiên và đã cho ý kiến dự thảo kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông; Ban chỉ đạo đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, cần xác định cụ thể thời gian, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc, khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch đề xuất báo cáo trình UBND thành phố xem xét thông qua.

khu-cong-nghe-cao-ez-land
Khu công nghệ cao ở quận 9 sẽ là nơi ươm mầm, ứng dụng khoa học công nghệ cho Thành phố phía Đông và Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Ảnh: Quỳnh Trần.

- Kế hoạch thành lập Thành phố phía Đông của thành phố có thuận lợi và khó khăn gì?

- Về thuận lợi, hành lang pháp lý về đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã được quy định cụ thể tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Việc sáp nhập ba quận để thành lập Thành phố phía Đông góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phù hợp với chủ trương của Đảng và quản lý Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Việc lập Thành phố phía Đông thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập ba quận gắn với mục tiêu xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), khu công nghệ cao (sẽ thành lập Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo gắn với khu công nghệ cao), khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và thương mại) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện (xa lộ Hà Nội; cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên; đường Vành đai 2, 3; đường Phạm Văn Đồng...).

So với các hướng khác, hướng Đông thành phố có đầy đủ lợi thế nhất (Đại học Quốc gia TP HCM, Khu công nghệ cao và Trung tâm tài chính Thủ Thiêm) là hạt nhân để dẫn đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên về khó khăn, Thành phố phía Đông có diện tích và quy mô dân số rất lớn so với chuẩn quy định (hơn 211 km2, đạt tỷ lệ 141%; hơn 1.013.000 người, đạt tỷ lệ 675%). Do đó, nếu không đi kèm với việc phân cấp, ủy quyền đủ mạnh và cơ chế, chính sách thực sự thu hút sẽ không phát huy tác dụng.

Thời gian tới bên cạnh đẩy nhanh những nhiệm vụ triển khai, UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để đề án đem lại hiệu quả và phù hợp với nguồn lực thành phố.

Theo Vnepress.net