PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG BỀN VỮNG – THIẾU HỤT MẢNG XANH ĐÔ THỊ
“Một thực tế đáng buồn là với tình trạng “tấc đất tác vàng” như hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, việc dành khuôn viên lớn làm công viên cây xanh là điều xa xỉ. Trừ những công viên vốn đã tồn tại từ trước như Tao Đàn, Gia Định, Hoàng Văn Thụ…, trong vòng ¼ thế kỷ trở lại đây, theo quan sát của người dịch, không có công viên mới nào được hình thành ở nội đô và thậm chí các khu vực mới phát triển sau này.
Kết thúc loạt bài “Phát Triển Hạ Tầng Bền Vững” trên Sustainable Vietnam, Chị Vương Minh HIền – Quản lý Bền vững của EZLand Việt Nam – sẽ phân tích mối liên hệ giữa mảng xanh với vấn đề ngập lụt (Phần 2) và chất lượng không khí ngày càng xuống cấp (Phần 3) tại TP.Hồ Chí Minh. Để đi đến bức tranh tổng thể “Hạ Tầng Bền Vững”, chị cho rằng sự quyết tâm và tầm nhìn quy hoạch từ chính quyền là yếu tố quyết định. Trong khuôn khổ bài viết, chị cũng nêu ra các sáng kiến thiết kế cho nhà liền thổ và căn hộ chung cư để mỗi chúng ta có thể chủ động mang mảng xanh vào đời sống của mình.
Một lần nữa, cảm ơn Sustainable Vietnam đã cho EZLand cơ hội truyền tải kiến thức hữu ích về bảo vệ môi trường thông qua loạt bài này. Mời các bạn theo dõi!”
Đối với tôi TP. Hồ Chí Minh mang đến nhiều điều hấp dẫn. Tuy vậy, nơi đây thiếu vắng trầm trọng không gian xanh. Trên quy hoạch, tổng diện tích đất cho công viên xây xanh toàn TP. Hồ Chí Minh là 11,400 ha, tương ứng 7m2/người. Nhưng hiện nay con số này chưa đạt đến một nửa chỉ tiêu, rơi vào khoảng 500 ha, tỉ lệ 0.55m2/người. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Singapore là 30.3m2/người, một sự chênh lệch quá lớn, phải không?
Khi còn ở Mỹ, tôi từng hỏi bạn bè điều gì khiến họ lưu luyến nhất khi chuyển vào thành phố sinh sống. Ngoài nỗi nhớ nhà, đa số trả lời là sự khó tiếp cận với thiên nhiên, mà dễ nhận ra nhất là sự bất tiện khi không thể đi dạo trong công viên.
Điều này cũng đúng ở TP.Hồ Chí Minh nữa. Như bạn thấy trong bức ảnh bên dưới, TP. Hồ Chí Minh đã mất đi khá nhiều cây xanh qua các năm, và sớm muộn đây sẽ là một trong những đô thị có mật độ phủ xanh kém nhất trong khu vực.
56% dân số thế giới hiện nay đang sống ở thành thị. Nếp sống công nghiệp hiện đại đã làm chúng ta quen với những bức tường bê tông và sự khan hiếm mảng xanh trong thành phố.
Nhưng đôi khi ta quên mất rằng, con người có thiên hướng cố hữu, hay còn gọi là bản năng, hướng về môi trường tự nhiên.
Lấy ví dụ nhé, sức khoẻ chúng ta hồi phục nhanh hơn một ngày nếu cửa sổ phòng bệnh hướng tầm nhìn ra công viên cây xanh, thay vì vào những bức tường gạch.
Một cuộc đi dạo 25 phút đã được chứng minh làm tăng chức năng nhận thức, độ sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, như đã đề cập trong những bài trước của loạt “Phát Triển Hạ Tầng Bền Vững”, cây xanh còn liên quan đến tình trạng ngập lụt và chất lượng không khí xuống cấp.
Lá cây ngăn bụi bay trong không khí, mảng xanh đóng vai trò là vùng đệm tự nhiên giúp nước mưa thẩm thấu xuống mạch nước ngầm thay vì tràn vào hệ thống thoát nước vốn dĩ quá tải của thành phố.
Bạn có thể làm gì để cải thiện vấn đề này?
Theo xu hướng phát triển, càng ngày càng có nhiều người từ các vùng quê đổ về thành phố sinh sống. Thực tế tại TP.Hồ Chí Minh hiện vẫn còn quá nhiều cụm nhà ở thấp tầng dàn trải. Mô hình này chỉ phù hợp với dân cư mật độ thấp. Với dân số hiện nay, Thành phố cần đi theo mô hình phát triển chung cư cao tầng để đáp ứng với mật độ dân số cao, và dành nhiều không gian cho công viên cây xanh hơn.
Đây là lí do mà mặc dù có mật độ dân số cao gần gấp đôi TP.Hồ Chí Minh, Singapore lại có độ phủ cây xanh cao hơn và từ đó cũng trong lành hơn.
Để tối đa diện tích xây dựng trên khu đất, một đặc điểm dễ nhận thấy ở các ngôi nhà Việt Nam là thiết kế nhà ống. Điều này khiến ngôi nhà hầu như không thể đón ánh sáng tự nhiên hay gió trời.
Nhưng với lối thiết kế thông minh, chúng ta hoàn toàn có thể “điểm xuyết” mảng xanh vào diện tích nhỏ của mình và các kiến trúc sư Việt Nam đương đại đã minh hoạ điều này qua ví dụ dưới đây (xem hình)
- Nếu bạn xây nhà liền thổ, hãy yêu cầu kiến trúc sư thiết kế giếng trời để bạn có thể đón nắng vào nhà và trồng một sân vườn nhỏ nhắn nữa!
- Nếu mua căn hộ chung cư, hãy chọn dự án có công viên và/hoặc căn hộ có ban công để trồng một ít cây xanh bạn nhé!
Bạn có ý tưởng nào khác không? Hãy chia sẻ với tôi và những độc giả khác nhé.