PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG BỀN VỮNG – NGẬP LỤT ĐÔ THỊ

“Hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với tình trạng ngập sâu, ngập cục bộ ở nhiều tuyến đường gây ra bởi mưa lớn và các đợt triều cường. Được người dân thành phố ngán ngẩm gọi đùa là “Sài Gòn mùa nước nổi”, vấn nạn ngập lụt đô thị không những ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống mà còn thiệt hại về nhà cửa và tài sản.

Mở đầu loạt bài “Phát Triển Hạ Tầng Bền Vững” của Sustainable Vietnam mà chúng tôi giới thiệu kỳ trước, Chị Vương Minh Hiền – Quản lý Bền vững của EZLand Việt Nam – đã vận dụng kiến thức chuyên môn để phân tích nguyên nhân làm kéo dài tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, chị nêu lên các giải pháp để chúng ta – những cư dân trong thành phố – có thể áp dụng để góp phần cải thiện vấn đề này. Mời các bạn theo dõi!” 

Hai tháng sau khi trở về Việt Nam cùng chồng, mùa mưa kéo đến.

Tôi đã quên mất điều này khi còn sống ở Việt Nam. Và thế là vợ chồng tôi quyết định thử một chuyến mạo hiểm đi về nhà khi trời đang mưa tầm tã. Ngay lập tức, chúng tôi nhận ra con đường mình vẫn đi hằng ngày giờ đây đã biến thành một dòng sông.

Chiếc xe của chúng tôi suýt chết máy đêm đó.

Nếu sống tại Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu, bạn ắt hẳn đã quá quen với cảnh này.

 

Trăm sông về biển – còn nước mưa sẽ về đâu?

Mùa mưa trong thành phố bắt đầu từ tháng Năm đến tháng Mười. Đến hẹn lại… ngập, những khu vực như Thảo Điền hay Nguyễn Hữu Cảnh như chìm trong biển nước. Nhẹ thì đến đầu gối, nhưng đôi khi, nước có thể dâng đến thắt lưng hoặc cao hơn thế nữa.  

Người dân thành phố lại tiếp tục đặt câu hỏi về hiệu quả của các phương án chống ngập tiêu tốn hàng triệu đô-la của thành phố như hệ thống máy bơm, và gần đây là ‘siêu máy bơm’.

Tuy nhiên, hãy thẳng thắn đối diện với thực tế rằng không hệ thống bơm nước nào có thể giải quyết triệt để tình trạng này nếu chúng ta cứ giữ mức bê tông hoá như hiện nay. Về cơ bản, nước không có lối thoát.

Hình minh hoạ dưới đây giải thích về bề mặt thẩm thấu và chống thẩm thấu:

urban-flooding3

Không giống các đô thị phương Tây, Thành phố Hồ Chí Minh không tách biệt hệ thống nước thải và nước mưa. Trong khi đó, với tốc độ phát triển hiện nay, thành phố tiếp tục san lấp các đường thoát nước tự nhiên hiện hữu như kênh rạch, sông ngòi và ao hồ. Hậu quả, khi mưa xuống, nước không thể thấm xuống đất một cách tự nhiên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước của thành phố.

Các vùng trũng và dễ ngập úng lẽ ra phải được quy hoạch để làm công viên. Nhưng thay vào đó, chúng ta vẫn thấy dự án mọc lên nhan nhản bên cạnh các dòng sông.

urban-flooding1

Bờ sông hay đê đất được thay bằng bờ kè bê tông. Khi thuỷ triều dâng, nước không có “vùng đệm” tự nhiên để thẩm thấu trước khi tràn lên bờ và vào nhà dân.

Cùng với những điều tôi kể trên, cộng với biến đổi khí hậu khiến lượng mưa mỗi năm càng tăng, chúng ta có thể thấy tình trạng ngập lụt đô thị sẽ chỉ ngày càng nghiêm trọng hơn mà thôi.

 

Bạn có thể làm gì để cải thiện vấn đề này?

Dưới đây là một số đề xuất của tôi mà bạn có thể tham khảo:

  1. Dùng gạch block trồng cỏ, sỏi, đá granite phân huỷ hoặc cỏ tự nhiên cho sân vườn hay sân đỗ xe
  2. Đừng trát bê tông hay lát gạch theo mặc định – hãy sáng tạo thêm mảng xanh nhiều nhất có thể!
  3. Để nước thấm tự nhiên vào mạch nước ngầm

urbanflooding2-2

Nếu bạn có ý định mua căn hộ để ở, hãy chọn những dự án sử dụng gạch lát vỉa hè có thấm nước; thiết kế mảng xanh không xây trực tiếp trên nền móng công trình; và thiết kế cảnh quan với ao trữ nước mưa và mương lọc sinh học. Nếu tất cả dự án nhà ở hay căn hộ đều làm điều này, chúng ta sẽ có giải pháp bền vững cho vấn đề thoát nước của Thành phố.

 

Bạn có ý tưởng nào khác không? Hãy chia sẻ với tôi và những độc giả khác nhé!

Đón đọc bài viết tiếp theo – Chất lượng không khí ngoài trời – trong series Phát Triển Hạ Tầng Bền Vững!

Nguồn: http://sustainablevietnam.com/2021/05/20/a-developer-on-sustainable-infrastructure-urban-flooding/

Tags: ezland EZL