NĂNG LỰC BỀN VỮNG: XU HƯỚNG MỚI TRONG VIỆC THẨM ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN THỰC

Một trong những bài học từ dịch COVID-19 là sự chuyển hướng mạnh mẽ sang xu thế phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm (SRI). Ngoài tiềm năng và lợi nhuận, các nhà quản lý quỹ và tổ chức đầu tư ngày càng quan tâm đến tác động môi trường và xã hội mà khoản tiền của họ sẽ tạo ra. Vì vậy, tiêu chí bền vững trở thành nhân tố quan trọng khi đánh giá năng lực trong hồ sơ tài sản thực. Vậy tính bền vững là gì? Tại sao lại liên quan đến giá trị tài sản thực? 

Năng lực bền vững là khả năng giải quyết vấn đề hoặc tạo ra ảnh hưởng tích cực đến Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG). ESG thường không được thể hiện trong báo cáo tài chính vì tác động của chúng vượt trên phạm vi kinh tế thông thường. Với chiến lược này, một doanh nghiệp cho thấy họ có trách nhiệm bảo vệ môi trường (E), kết nối với cộng đồng (S) và củng cố tổ chức (G) thông qua các chính sách và hành động cụ thể. Khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2005 từ Liên Hiệp Quốc, đến nay thuật ngữ “ESG” đã trở nên phổ biến và là nền tảng của rất nhiều doanh nghiệp. ESG xác định các mục tiêu để họ liên tục hoàn thiện, cải tiến sản phẩm hay dịch vụ; từ đó đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên liên quan từ doanh nghiệp nói riêng đến xã hội, quốc gia hay nhân loại nói chung.

Tài sản thực là tài nguyên hữu hình, gồm hai loại là tự nhiên: Đất đai, Khoáng sản; và nhân tạo: Bất động sản, Hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, bất động sản thu hút nhiều quỹ đầu tư rót vốn vào vì vừa thanh khoản cao, vừa có sức ảnh hưởng lớn. Trước khi nhận đầu tư, một dự án tài sản thực sẽ được thẩm định chặt chẽ về pháp lý, lợi nhuận, rủi ro và tính bền vững. Đây là lúc ESG liên kết chặt chẽ với tài sản thực.

gach k nung

Thứ nhất, ESG khắc phục các vấn đề ngoại cảnh mà tài sản thực gây ra trong dài hạn. Về mặt E (Môi trường), một dự án bất động sản, hay hiểu rộng hơn là ngành xây dựng, có thể cải thiện hiện trạng biến đổi khí hậu và tiêu thụ năng lượng bằng cách áp dụng vật liệu/công nghệ thân thiện môi trường và không gây hại cho sức khoẻ con người như điện mặt trời, gạch không nung, sơn low-VOC, giảm phát thải CO2, tăng mảng xanh và chiếu sáng tự nhiên… Đối với S (Xã hội), một cộng đồng dân cư khoẻ mạnh, hạnh phúc sẽ nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy kinh tế, giáo dục tại địa phương và tiến tới rút ngắn bất bình đẳng xã hội. Cuối cùng, tiêu chí G (Quản trị) củng cố nghĩa vụ công bố thông tin đại chúng, đề cao các nguyên tắc và hành vi đạo đức doanh nghiệp. Nhìn chung, áp dụng ESG toàn diện tạo ra nhiều giá trị thật cho con người và môi trường, đồng thời kiểm soát rủi ro tiềm tàng. Đây chính là năng lực bền vững của tài sản thực và cũng là điều các tổ chức đầu tư đánh giá cao.

the lakes race-1

Thứ hai, tính bền vững không mâu thuẫn với lợi nhuận tài chính. Nguyên nhân vì giá trị của tài sản thực được thể hiện qua độ hấp thụ của thị trường. ESG tập trung vào chất lượng thực sự của sản phẩm, trải nghiệm của người dùng cuối, và rộng hơn là độ nhận thức và lan toả trong xã hội đến từ phản hồi tích cực đó. Từ đó, giá trị kinh tế của tài sản thực không bị suy giảm, trái lại còn gia tăng theo thời gian. Ví dụ rõ nhất là tại các đô thị đang mở rộng như TP.HCM, bất động sản ở giúp giải quyết bài toán nhà ở cho người dân dịch chuyển về đây để sinh sống và làm việc. Đây là khoản đầu tư lâu dài của người có khả năng mua nhà có nhu cầu ở thật. Vì vậy, khi cung gặp cầu và khách hàng được nâng cao chất lượng sống, độ nhận biết thương hiệu và uy tín của nhà phát triển cũng tăng theo, kéo theo giá trị kinh tế của chính dự án đó và các dự án kế tiếp.

lake race

Có thể nói, năng lực bền vững quan hệ mật thiết với tài sản thực. Một khung tiêu chuẩn ESG quốc tế như GRESB*, hay cam kết áp dụng ESG như UNPRI**, không những là kim chỉ nam để nhà phát triển bất động sản như EZLand có định hướng phát triển, mà còn hợp nhất dữ liệu trong hồ sơ năng lực nhằm thu hút tổ chức đầu tư nước ngoài muốn gia nhập vào thị trường bất động sản sôi động của TP.HCM.

*Bảng đánh giá Bất Động sản bền vững toàn cầu

** Bộ nguyên tắc đầu tư bền vững của Liên Hiệp Quốc