KINH TẾ VIỆT NAM – QUYẾT TÂM TRỤ VỮNG NHỜ NỘI LỰC TỐT
“Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam trong Quý 2.2021 tăng 6.61% so với Quý 2.2020, trong 6 tháng đầu năm tăng 5.64% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, dù cả nước đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp nhất từ trước đến nay, các con số tăng trưởng tích cực này được lí giải từ hai nguyên nhân: mức xuất phát thấp lịch sử ở cùng kỳ năm trước và sự hồi phục mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất.”
Ngày 29/06 vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam trong Quý 2.2021 tăng 6.61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0.39% của Quý 2.2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6.73% của Quý 2 các năm 2018 và 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5.64%, gấp ba lần so với 6 tháng đầu năm 2020 là 1.82% – vốn là con số thấp nhất trong lịch sử – nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7.05% và 6.77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021 với mức tăng 5.64%, khu vực nông – lâm – ngư nghiệp tăng 3.82%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 8.36%, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 9.3%; khu vực dịch vụ tăng 3.96% – nổi bật với các ngành dịch vụ thị trường như bán buôn, bán lẻ, tài chính, ngân hàng. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 24.05%, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 28.4%, tương đương 157.63 tỉ Đô-la Mỹ. Theo ông Lê Trung Hiếu, vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì hai lí do sau:
Thứ nhất, các chỉ số tăng trưởng lạc quan này đang so sánh với mức của 6 tháng đầu năm 2020, vốn xuống rất thấp khi làn sóng COVID-19 bắt đầu tác động đến Việt Nam. Khả năng kiểm soát dịch là lợi thế rất lớn của nước ta trong năm vừa qua, với thành tựu là quốc gia duy nhất tăng trưởng dương trong khối ASEAN. Tuy nhiên, với đợt bùng phát dịch lần thứ tư đang có chiều hướng gia tăng này, theo Capital Economics, Việt Nam cần hết sức thận trọng trong vài tháng tiếp theo khi biến chủng delta mới có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng như đã thấy tại tỉnh Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh công nghiệp lân cận. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, con số 5.64% vẫn còn thấp hơn chỉ số dự báo là 5.8%. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2021 theo kế hoạch, Việt Nam cần đạt cột mốc 6.3% trong 6 tháng cuối năm. Đây là một thách thức lớn cần sự nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước.
Thứ hai, sự phục hồi và tăng trưởng công nghiệp là một trong những chiến lược trọng điểm của Chính phủ giúp Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, ông Phạm Đình Thuý, cho rằng tăng trưởng công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch – chỉ 0.1%. Với chiến lược “Trung Quốc+1”, hiệp định EVFTA cùng nhiều lợi thế khác, Việt Nam tiếp tục giữ nguyên vị thế là quốc gia đi đầu trong xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là thiết bị điện tử, hàng dệt may và giày dép. Bên cạnh công nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, ngành dịch vụ, bán lẻ và nông nghiệp cũng góp phần giúp giữ vững mức tăng trưởng tích cực này, với các chỉ số 4.3%, 4.9% và 4.11% tương ứng.
Ngân hàng Phát triển châu Á từng dự báo, GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á với 6.7%. Với tiềm lực nội tại kết hợp với chiến lược phòng chống dịch hiện nay, có thể nói con số này không hẳn là không thể ngay khi nối lại các hoạt động kinh tế nội địa toàn diện trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Tổng hợp